A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI TUYÊN TRUYỀN “HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI” NĂM 2021 CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC CHU MINH - HUYỆN BA VÌ - TP HÀ NỘI

 “HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI” NĂM 2021

Chủ đề : Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người

trong bối cảnh đại dịch Covid-19

 

Đất nước Việt Nam ta có nền văn hiến lâu đời, tinh thần hiếu học của mỗi người dân Việt được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Bác Hồ kính yêu của chúng ta - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà tư tưởng giáo dục, nhà sư phạm thực tiễn vĩ đại, đồng thời là một tấm gương sáng ngời về tự học. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người đã từng nói:“Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Chính từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bão táp mưa giông đến bến bờ vinh quang.

           Ðảng ta cũng xác định: "Giáo dục và Ðào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu". Sự nghiệp giáo dục đã phát triển mạnh mẽ, ý thức học tập suốt đời đã dần thấm sâu vào từng dòng họ, từng gia đình, mọi tầng lớp nhân dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Giáo dục và Đào tạo vừa là quyền cơ bản của con người, vừa là chìa khóa của sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Học tập là một nhu cầu cấp bách đối với mỗi cá nhân để có thể thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và khẳng định giá trị nhân văn trong một thế giới toàn cầu hóa. Mục tiêu và cũng là giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới là xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân. Học tập để cùng chung sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sông cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

Trong tình hình hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm đảo lộn mọi hoạt động của đời sống xã hội trên toàn thế giới và giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Trước bối cảnh toàn cầu cùng những gián đoạn học tập do dịch Covid-19 gây ra, chuyển đổi số là một thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền giáo dục, giúp cho giáo viên và học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyển đổi cần thiết để chuẩn bị cho một thế giới việc làm nhiều biến đổi.

Trường Tiểu học Chu Minh đã phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” đối với toàn thể CB-GV-NV và học sinh Nhà trường từ ngày 1/10/2021 đến ngày 7/10/2021. Thông qua việc phát động đó nhằm tiếp tục gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học có phương pháp cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường nhắn nhủ đến các phụ huynh về tầm quan trọng của gia đình trong việc hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy, học và các hoạt động thư viện của Nhà trường, trong đó lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến. Hưởng ứng tuần lễ “Học tập suốt đời”, toàn thể CB-GV-NV và học sinh có nhiều hoạt động thiết thực như: Tuần thi đua học tập tốt, thi vẽ tranh về nhân vật trong câu chuyện mà em thích, viết cảm nhận về câu chuyện mà em đã đọc. Ban giám hiệu quản lý trường học theo hướng ứng dụng các công cụ trực tuyến: Tổ chức các cuộc họp trực tuyến qua Zoom, qua Google Meet, nhập số liệu qua các trang tính; tổ chức tập huấn cho GV về các ứng dụng, các phần mềm hỗ trợ dạy học: Đ/c Trần Thị Thủy thực hiện thành công chuyên đề tin học “Cách sử dụng phần mềm Azota để ra bài tập, kiểm tra đánh giá học sinh; Một số thủ thuật khi dạy trực tuyến qua Zoom”. Mỗi giáo viên đều đăng kí xây dựng và thực hiện tiết dạy PowerPoint trực tuyến hay, 100% giáo viên đều tích cực chữa bài, nhận xét, đánh giá học sinh qua nhóm Zalo lớp; trên hệ thống Cơ sở dữ liệu. Vì vậy phụ huynh học sinh ngày càng phối hợp chặt chẽ, gắn kết với GV chủ nhiệm trong công tác giáo dục học sinh. 100% phụ huynh lớp 1-2 đều tích cực phối hợp với giáo viên để hỗ trợ con em học tập trực tuyến,… Qua đó, nâng cao ý thức tích cực chủ động trong học tập của học sinh cũng như tinh thần tự học tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường.

Học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi. Đó là một xã hội mà mỗi cá nhân luôn tích cực chứ không thụ động. Hơn nữa, học tập suốt đời cũng giúp người khác gắn kết, gần nhau hơn, cũng là nguồn vui, giúp mỗi người cảm thấy hoàn thiện bản thân mình. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, đất nước ta đang hướng đến việc hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN, người lao động trong nước đang phải cạnh tranh với lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao của khu vực. Xét ở khía cạnh mưu sinh, nếu không liên tục học tập, nâng cao chất lượng lao động về mọi mặt, trong tương lai chúng ta cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi muốn khẳng định bản thân và cũng như cạnh tranh với bạn bè trong khu vực được ngay tại quê hương Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em học sinh cần tích cực chuẩn bị để trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ hai, gia đình là cái nôi đầu tiên của sự học. Cha mẹ luôn cần đồng hành và hỗ trợ con em mình trong hành trình khám phá tri thức. Muốn thế, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng phải học tập suốt đời để có thể bước đi cùng nhau.

Đối với người thầy, nếu có ý thức học tập suốt đời, biết tự bù đắp và bổ sung tri thức, hơn hết là kỹ năng, thì lợi ích nhận được không phải chỉ cho bản thân mà còn cho học sinh, những điều các em xứng đáng được hưởng, như một quyền lợi. Cho nên ý thức học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, tự tạo ra những chân trời tri thức mới và không ngừng trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.

Sự thay đổi đầu tiên là xây dựng người thầy trở thành hình mẫu trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện nhân cách. Người thầy thời đại mới là "người thầy đi tới" với những bước đi khám phá chứ không phải "người thầy đứng lại để chiêm nghiệm". Những bước đi đầu tiên trên hành trình của trò luôn cần bàn tay của người thầy. Song, người thầy thời đại mới phải hiểu rằng chỉ có một cách giữ các em ở lại lâu nhất trên hành trình học tập chính là việc thầy phải khơi dậy đam mê và nỗ lực hoàn thiện bản thân của trò, xây dựng tinh thần, thái độ học tập tích cực.

Nhiệm vụ của người thầy là giúp các em chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và phương pháp để các em đủ tự tin và vững vàng tiếp tục học tập khi rời nhà trường.

Không chỉ ở phương pháp tiếp cận, quan niệm về môi trường học tập cũng phải thay đổi theo hướng mở rộng ra. Trường học là nơi học tập tốt nhất nhưng không phải là duy nhất bởi ta còn có thể học trong sách vở, học ngoài xã hội, học hỏi lẫn nhau…

Trong môi trường giáo dục, nhà quản lý - giáo viên - học sinh đều cần ý thức về việc học hỏi lẫn nhau. Triết lý giáo dục mới khẳng định rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là mối quan hệ hai chiều của tác động và phản hồi và giáo viên vẫn có thể học ở học sinh nhiều điều thú vị. Với học sinh, các em không chỉ nhận được sự dạy bảo tận tình của thầy cô mà còn được dìu dắt bởi các anh chị cựu học sinh thành đạt trong cuộc sống. Đó là cơ hội để kinh nghiệm thực tế và những lời khuyên bổ ích được trao truyền.

Tất cả những điều nói trên là minh chứng khẳng định môi trường học tập hiện nay đang rất rộng mở. Chúng ta đề ra những việc cần làm là để không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.

Thiết nghĩ, cuộc vận động "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2021" là một lời nhắc nhở cần thiết cho những người làm công tác giáo dục, đồng thời là lời kêu gọi đầy ý nghĩa cho mọi tầng lớp Nhân dân, gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học tập suốt đời, học tập cho mọi đối tượng. Bởi nhờ học tập suốt đời mà chúng ta sẽ càng có khả năng thích ứng, phát triển và cộng tác trong một thế giới rộng mở như tổ chức UNESCO đã nêu "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Mong ước rằng tinh thần học tập suốt đời luôn là điều mà mọi người dân đều ý thức và nỗ lực, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mãi giữ vị trí tiên phong trên con đường hiện thực hóa ước mơ và nhờ đó sẽ ngày càng phát triển, có thêm nhiều sự đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết